×
Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất

Các diễn giả, khách mời tham dự trực tiếp và trực tuyến Diễn đàn sáng nay

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 1.
Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 2.

 

08:36 - 25/04/2024

Ông Trần Trọng Kim - Tham tán thương mại Việt Nam tại Arab Saudi

3 nội dung doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Đông cần lưu ý

Căng thẳng ở Trung Đông đã xuất hiện từ trước nhưng trong quý I/2024 tình hình trở nên căng thẳng hơn, lực lượng Houthi ở Yemen vẫn thường xuyên gây bất ổn vào các nhà máy lọc dầu; tấn công các tàu chở hàng hóa qua Biển Đỏ đã gây ra các mối đe dọa nghiêm trọng đối với quốc tế; làm gián đoạn hàng hóa. 

 Các công ty vận tải phải tránh đi đường vòng qua châu Âu, châu Phi, thay vì đi qua kênh đào Suez. Trọng tải tàu vào kênh đào Suez đã giảm 42%; trong khi tổng tải trọng vào Mũi Hảo Vọng tăng 87% trung bình di chuyển 7 ngày…

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 1.

Ông Trần Trọng Kim phát biểu qua màn hình trực tuyến

Một loạt tập đoàn đoàn dầu mỏ như DP, hãng tàu quốc tế Evergreeen đã từng tạm dừng tất cả chuyến vận tải qua Biển Đỏ hoặc lệnh cho tàu dời khỏi khu vực… Những điều này làm tăng thêm chi phí, chậm trễ giao hàng trong quý II/2024.

Sau cuộc trả đũa của Isreal và Iran gần đây, tình hình càng thêm căng thẳng khiến đơn hàng của DN Việt Nam giảm, du khách từ Việt Nam không thể đến các điểm quanh khu vực Trung Đông. 

Qua theo dõi tình hình sở tại, các hải trình hàng hóa thời gian qua bị ảnh hưởng đã tác động đến giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Arab Saudi. Các tàu để phải thay đổi lịch trình giao hàng, thời gian lên đến 15 ngày; công ty vận tải tăng giá cước tới 15%... có thể giảm kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Trong bối cảnh này, Thương vụ Việt Nam tại Arab Saudi khuyến nghị 3 nội dung. Theo đó, các cơ quan tổ chức trong nước tiếp tục thông tin tới các hiệp hội, DN, để lường trước những khó khăn khi qua Arab Saudi, Yemen trong thời gian tới.

Đề nghị DN tăng cường đầu mối nhập khẩu mà không đi qua Biển Đỏ vì hiện nay vẫn còn một số cảng trong khu vực không bị ảnh hưởng, vẫn diễn ra bình thường;

Khi giao dịch với các DN nhập khẩu hàng ở khu vực này, cần ký hợp đồng thanh toán qua dạng thư tín dụng L/C, ký hợp đồng bảo đảm. Nếu có khách hàng thanh toán trước càng tốt. Đặc biệt, không trả trước bất kỳ một khoản phí nào như phí môi giới hợp đồng, phí hóa đơn vì đây là lừa đảo.

Đặc biệt, các hoạt động mời tham gia đơn hàng lớn, giá tốt cho các mục tiêu nhân đạo, cứu trợ cần xác minh qua kênh Đại sứ quán và thương vụ Việt Nam tại đây để được hỗ trợ để tránh bị lừa đảo.

08:41 - 25/04/2024

Bà Lê Thị Thanh Minh - Trưởng phòng Châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương

Chi phí vận tải container tăng mạnh

Tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ, vận tải đường biển chuyển hướng qua mũi Hảo Vọng (châu Phi) khiến thời gian vận chuyển kéo dài, cước tàu tăng do kênh đào Suez là tuyến đường ngắn nhất vận chuyển từ châu Á sang châu Âu.

Theo khảo sát, giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang châu Mỹ, châu Âu đầu năm 2024 tăng cao so với cuối năm 2023.

Đến tháng 3-2024, giá cước vận chuyển sang châu Mỹ, châu Âu có giảm nhưng vẫn cao hơn bình quân những năm trước 20%.

Không chỉ cước tàu tăng mà các phụ phí cũng tăng mạnh, tăng không báo trước gây bức xúc cho doanh nghiệp. Ngoài ra, thời gian vận chuyển kéo dài 10-15 ngày khiến chuỗi cung ứng bị đảo lộn, chậm trễ.

Căng thẳng Biển Đỏ còn kéo theo tình hình thiếu container rỗng, giá container rỗng cao.

Những biến động trên thế giới cũng khiến giá dầu thô tăng, ảnh hưởng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó

Để giảm thiểu tác động tiêu cực cho xuất khẩu, Bộ Công Thương đã có sự trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội, logistics – xem xét tuyến đường thay thế bằng đường tàu hoặc kết hợp đa phương tiện (đường bộ, đường tàu biển, đường sắt,…)

Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung hàng hóa, khi ký kết hợp đồng cần lưu ý các điều khoản bất khả kháng, mua bảo hiểm đầy đủ để tránh rủi ro. Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường cập nhật thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải để nắm bắt sớm thông tin.

Các nhà quan sát cho rằng căng thẳng Biển Đỏ chưa kết thúc sớm nên doanh nghiệp cần chủ động có kế hoạch ứng phó.

09:10 - 25/04/2024

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Xuất khẩu thủy sản vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng

Quý I/2024 với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu gia tăng. Trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt gần 2 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023, giúp cho các nhà sản xuất trong nước an tâm hơn, duy trì tốc độ phát triển. Tuy nhiên, phải chờ thêm 1 quý nữa mới có thể đánh giá là trường xuất khẩu phục hồi nhiều hay ít.

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 1.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Với tình hình hiện nay, việc tăng chi phí trong hoạt động sản xuất cho xuất khẩu ít nhiều bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thủy sản, giá nguyên liệu đầu vào, vật tư vật liệu, bao bì đều tăng do ảnh hướng giá dầu và thị trường tài chính.

Trong chừng mực nào đó, doanh nghiệp chỉ có thể hy vọng các yếu tố bất ổn tạo được điểm cân bằng mới để trên cơ sở đó điều hành xuất khẩu. Các DN nỗ lực tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng dài hạn hơn để có kế hoạch sản xuất.

Về thị trường EU, quý I/2024 bị ảnh hưởng lớn do các vấn đề tài chính, xung đột địa chính trị nên nhiều DN có tâm lý không muốn xuất khẩu vào EU. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc đang tăng. Hiện nay, xuất khẩu vào 3 thị trường quan trọng của thủy sản là Trung Quốc, Mỹ, Nhật tăng ổn định khoảng 16%/mỗi thị trường. 

Đặc biệt, Trung Quốc đang có nhu cầu lớn về mặt hàng tôm Việt Nam. Các DN chủ yếu tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng chế biến, giá trị gia tăng để cạnh tranh với hàng giá rẻ hơn từ Ecuador.

Về chi phí sản xuất, 70% nguyên liệu của ngành thủy sản là từ nuôi trồng. Đây là lợi thế của Việt Nam nhưng chúng ta vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Vì vậy, tỉ giá biến động như hiện nay đang gây khó khăn cho DN.

Nhìn chung, thủy sản là hàng thực phẩm thiết yếu nên vẫn còn có cơ hội tăng trưởng dù hiện nay các thị trường đều co lại do người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu. 

Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung rất cao cho hỗ trợ cách ngành sản xuất và đã phát huy tác dụng trong thời gian qua, hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy.

09:20 - 25/04/2024

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

Doanh nghiệp cần có kế hoạch quản trị rủi ro

Trong quá trình trao đổi, nhiều đại biểu quan tâm vấn đề phòng ngừa rủi ro trong xuất nhập khẩu. Trong điều kiện hiện nay, các DN trong quá trình triển khai hợp đồng phải hết sức lưu ý, tham vấn ý kiến các chuyên gia pháp lý, chuyên gia thị trường và đặc biệt thận trọng vì trong giai đoạn hiện nay có xuất hiện hiện tượng lừa đảo trong thương mại quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 1.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

DN Việt thường khá hời hợt khi ký hợp đồng chỉ quan tâm lời lỗ, ký xong mới phát hiện ra bị hớ. Trong khi đó, DN muốn có quan hệ làm ăn bền vững phải bám sát các quy định quốc tế và cần có sự tham gia của các chuyên gia hỗ trợ DN, bảo đảm giao dịch an toàn. Có biện pháp quản trị rủi ro, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đưa vào kế hoạch của DN.

Khi ký hợp đồng thương mại quốc tế phải lưu ý về quy định xử lý tranh chấp. DN có thói quen xử lý tranh chấp là đưa ra tòa trong khi thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hòa giải là lựa chọn cần thiết. 

Thị trường quốc tế hiện nay là thị trường của người mua nên DN cần lưu ý chọn trung tâm trọng tài quốc tế ở Việt Nam để có lợi về chi phí và điều kiện hơn, bảo đảm pháp lý tốt hơn cho DN.

09:21 - 25/04/2024

Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công

Dệt may muốn cạnh tranh phải tạo ra giá trị cao hơn

Xuất khẩu dệt may năm 2024 tốt hơn so với 2023 dù chưa thật sự lấy lại đỉnh các năm trước đó. Các DN dệt may có đơn hàng nhiều hơn nhưng rất cạnh tranh do giá không tăng nhưng chi phí logistic tăng, DN phải chia sẻ chi phí vận chuyển hàng hóa với đối tác mua hàng dẫn đến lợi nhuận bị ảnh hưởng.

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 1.

Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công

Trong quý I/2024, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 9,5 USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam đang đứng trong 3 thị trường xuất khẩu dệt may lớn, xếp sau Trung Quốc và Bangladesh. 

Chúng ta không thể cạnh tranh với DN Bangladesh về chi phí nhân công thấp, thuế xuất khẩu sang EU thấp. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không nhìn vào Bangladesh mà đang nhìn sang Trung Quốc để phấn đấu. Mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu trên dưới 300 tỉ USD, gấp 7-8 lần Việt Nam.

Vấn đề hiện nay là chi phí tăng, khách hàng yêu cầu hàng hóa xanh, sạch hơn trong khi giá không tăng nên đây là áp lực kép đối với DN xuất khẩu ngành dệt may. DN buộc phải đầu tư nhà máy xanh, sạch và chịu áp lực rất lớn về tiêu chuẩn ESG, điện mặt trời, giảm phát thải, sử dụng nguyên liệu tái chế… để đáp ứng yêu cầu của các nhà mua hàng ở châu Âu hiện nay và Hàn Quốc, Mỹ... trong thời gian tới.

Chúng ta muốn cạnh tranh thì không thể làm những mặt hàng giá thị thấp như Bangladesh đang làm mà phải tạo những giá trị cao hơn, phải thay đổi để thích ứng với yêu cầu mới trong cuộc chơi chung toàn cầu. Để DN làm tốt phải có sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam.

Chi phí đầu tư cho giảm tác động môi trường rất cao, biên lợi nhuận của DN dệt may thấp nên rất mong các tổ chức tài chính có những gói lãi suất ưu đãi cho DN vay đầu tư "xanh hóa". Ngành thuế cũng cần có chính sách giảm thuế thu nhập DN cho DN đầu tư xanh để tạo động lực cho DN.

09:37 - 25/04/2024

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Điều hành chính sách tiền tệ rất khó khăn

Tôi đánh giá cao nội dung của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức. Đây là một chủ đề lớn, quan trọng và thời sự trong điều kiện kinh tế của Việt Nam và tình hình chung của thế giới.

Liên quan đến hỗ trợ cho xuất khẩu, ngoài vốn còn nhiều vấn đề khác, nhất tỉ giá và các cơ chế chính sách khác.

Ở góc độ NHNN, vấn đề là làm sao để duy trì lãi suất như hiện nay, giữ cho tỉ giá được ổn định. Đây là 2 yếu tố cơ bản nhất, nhất là với các DN xuất nhập khẩu; cùng với điều kiện tiếp cận tín dụng tốt nhất và vốn đầy đủ nhất.

Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH trong 3 tháng đầu năm và giờ đã gần hết tháng 4 phải nói là rất khó khăn, trong bối cảnh tình hình kinh tế chịu tác động rất lớn cả quốc tế và khó khăn nội tại của nền kinh tế, thậm chí nhiều lúc khó khăn hơn. 

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 1.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Tín dụng trong 2 tháng đầu năm bị âm, không tăng trưởng được, dù cơ chế, bộ máy, chính sách vẫn như vậy. Cầu tín dụng không có, cầu đầu tư, tiêu dùng đều thấp khi DN vẫn còn khó.

Các DN cũng nhiều tác động khó khăn, đơn hàng có tăng nhưng giá cả tăng trưởng rất lớn. Đến tháng 3 và thời điểm này, một số địa phương tăng khá lớn, tícn cực và hiện tại khoảng 1,5% tăng trưởng tín dụng.

Hiện tại, cùng với chính sách tiền tệ, các chính sách hỗ trợ khác từ Chính phủ và các bộ ngành cũng đang triển khai tích cực để thúc đẩy nhu cầu đầu tư, cầu tiêu dùng, cầu tín dụng.

Nhiều giải pháp về vốn cho doanh nghiệp

Về vấn đề vốn, thanh khoản của các TCTD vẫn dồi dào. DN nếu có dự án hiệu quả, đáp ứng điều kiện tín dụng tối thiểu chắc chắn sẽ được cho vay.

Ngay từ đầu năm, NHNN đã chủ động các biện pháp giao hạn mức tín dụng cho các NH thương mại. Theo đó, mục tiêu năm nay tín dụng sẽ tăng trưởng 15% và nếu cần thiết và chỉ số kinh tế vĩ mô cho phép sẽ tăng thêm.

Về lãi suất hiện đã rất thấp trong vài chục năm nay, nhất là các khoản vay mới. Điều hành lãi suất đòi hỏi phải hợp lý, vì có liên quan tới chính sách tỉ giá. Do đó, NHNN đưa ra quan điểm là hạ lãi suất nhưng phải phù hợp bối cảnh kinh tế vĩ mô và áp lực lạm phát.

NHNN khẳng định chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất, dù tăng hay giảm mà duy trì lãi suất điều hành hiện nay và khuyến khích các TCTD giảm lãi suất cho vay nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên.

Chính sách giãn, hoãn các khoản nợ DN chưa trả được sẽ kéo dài tới hết năm nay thay vì chỉ tới 30-6 khi NHNN sửa đổi Thông tư 02. Đồng thời, các NH thương mại sẽ tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tạo ra các nguồn vốn ưu đãi cho DN.

NHNN cũng chỉ đạo các NH thương mại ứng dụng công nghệ để giảm bớt chi phí cho DN. Đây là một yếu tố cấp bách.

Ngoài ra, các NH cũng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, giải quyết cầu tiêu dùng, tồn kho ngay trong thị trường nội địa. Đồng thời, đẩy mạnh đẩy mạnh kết nối NH và DN, mà TP HCM là nơi đi đầu.

Tỉ giá là một vấn đề rất lớn

Về tỉ giá, thời gian qua đang có những dao động và VNĐ cũng chấp nhận mất giá so với đầu năm. Năm 2023, VNĐ mất giá khoảng 2,6% nhưng so với các nước xung quanh việc giữ được mức này là rất nỗ lực.

Họp báo đầu năm 2024, NHNN có thông tin trong trường hợp cần thiết để ổn định tỉ giá sẽ dùng quỹ dự trữ ngoại hối để bán can thiệp. Đến giờ, tỉ giá trung tâm của NHNN cũng giảm còn 4,8% so với năm 2023. Dù vậy, mức mất giá này vẫn là tích cực so với nhiều thị trường như Đài Loan (Trung Quốc) 5,96%; Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ đều mất giá cao hơn nhiều…

Do độ mở của nền kinh tế nên việc điều hành tỉ giá lúc này rất quan trọng, NHNN sẽ điều hành tỉ giá một cách hợp lý.

Về chính sách của FED và các nước, chúng tôi kỳ vọng FED hạ lãi suất nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin chính sách. USD tăng giá đang ở mức cao nhất từ xưa tới nay. Tình trạng giảm cầu đầu tư, chính sách bảo hộ của các nước lớn. Cầu tiêu dùng của thế giới cũng giảm, ảnh hưởng đến xuất khẩu của DN Việt Nam; logistics vận chuyển đẩy giá thành sản phẩm cao; nguyên liệu hàng hóa của các nước bị ảnh hưởng; tâm lý lo sợ căng thẳng xung đột ở khu vực Trung Đông khiến giá vàng nhảy vọt. Chưa bao giờ giá vàng thế giới lên vượt 2.400 USD/ounce… đã tác động tới tỉ giá và tác động trực tiếp tới DN xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, lãi suất VNĐ giảm nhanh làm cho mất cân đối giữa lãi suất VNĐ và USD cũng làm đẩy tỉ giá lên. Xuất nhập khẩu tương đối sôi động nên nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu cũng tiêu tốn ngoại tệ không nhỏ. 

Trường hợp xuất khẩu khó khăn, nguồn ngoại tệ nhập về sẽ ít đi dù kiều hối vẫn chảy về. Ngoài ra, tâm lý thị trường cũng ảnh hưởng làm tỉ giá đi lên.

Ổn định chứ không cố định tỉ giá

Tỉ giá là một vấn đề lớn của nền kinh tế nếu không quản lý hiệu quả, sẽ tác động tới lạm phát. Do đó, NHNN cũng đặt vấn đề quản lý tỉ giá và điều hành trong thời gian tới.

Chúng ta ổn định tỉ giá, chứ không cố định, bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không thể âm. Có những giải pháp để thực hiện điều này như: điều tiết lượng tiền trong lưu thông để hài hòa; điều hành lãi suất hợp lý để hài hòa với tỉ giá, tính toán mức độ hợp lý để đạt cả 2 mục tiêu.

NHNN vẫn duy trì chính sách cho vay ngoại tệ đối với hàng hóa ưu tiên vì có xuất khẩu mới có ngoại tệ. Do vậy, những lĩnh vực như xuất khẩu cà phê đang được giá nên các NH phải ưu tiên cho vay; gói 30.000 tỉ đồng cho xuất khẩu thủy sản; xuất khẩu gỗ… cũng được NHNN phối hợp với các hiệp hội DN triển khai quyết liệt. Tương tự, NHNN cũng chỉ đạo đẩy mạnh cho vay kinh doanh lúa gạo cho khu vực lúa gạo vùng ĐBSCL và những lĩnh vực khác.

NHNN khẳng định, trong những chính sách của NHNN thì xuất khẩu luôn được ưu tiên.

Điều hành tỉ giá trung tâm để chống đầu cơ tích trữ ngoại tệ. Câu chuyện găm giữ, đầu cơ của các NHTM; đẩy mạnh các công cụ để có lợi ích tối đa cho DN và biện pháp cuối cùng là mang tính chất hành chính, là khi buộc phải bán ngoại tệ. Dù mới chỉ là bước đầu sẵn sàng bán ngoại tệ.

Cuối cùng, rất mong các DN và nền kinh tế cũng không nên kỳ vọng là găm giữ, đầu tư ngoại tệ để có thể tạo ra những áp lực trạng thái cân đối ngoại tệ cho nền kinh tế, để các DN, NHTM cùng thực hiện hiện tốt mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế.

Về tín dụng xanh: NHNN đang cùng các bộ ngành nhận diện để xây dựng chính sách. Tín dụng xanh và các dự án xanh, để làm sao cả NH và DN hiểu rõ, có cơ chế, hàng lang pháp lý rõ ràng, nhất là nguồn vốn cho tín dụng.

09:51 - 25/04/2024

Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm G.C (GC Food)

Khách hàng Trung Đông tạm dừng mua hàng

GC Food là công ty sản xuất chế biến sản phẩm từ rau quả, nhiều nhất là nha đam, thạch dừa. Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới cao đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm nên doanh nghiệp chúng tôi trong lĩnh vực này được hưởng lợi. Trong đó có yếu tố mặt bằng giá nông sản cao.

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 1.

Với ảnh hưởng xung đột ở Trung Đông, hiện khách hàng của chúng tôi tại đây đang tạm dừng do vận chuyển, thanh toán khó khăn, tiêu dùng giảm. Tuy vậy, chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ với các khách hàng này chờ thị trường hồi phục.

Thị trường chính của GC Food là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN – cũng đang gặp khó khăn do đồng tiền nội tệ bị thấp so với USD. Chúng tôi bán hàng bằng USD nên khách hàng mong muốn giảm giá để bù đắp trượt giá. Để giữ thị thường, chúng tôi có giảm giá cho một số hợp đồng, điều này khiến cho biên lợi nhuận của DN giảm.

Do ảnh hưởng tình hình trên thế giới, chi phí đầu vào của DN đang tăng, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh.

Hiện tại, dù giá USD tăng nhưng chúng tôi bán USD cho ngân hàng giá không cao như giá ngoài thị trường nên không bù đắp được các chi phí tăng cao.

Một thông tin bất ngờ là các sản phẩm nha đam, thạch dừa của chúng tôi đang tăng trưởng tốt tại các thị trường ASEAN, nhiều nhất là Malaysia, Indonesia.

10:10 - 25/04/2024

Bạn đọc hỏi: Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng dành cho thủy sản, gỗ hiện ra sao?

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, cho biết gói vay ưu đãi 15.000 tỉ đồng đã giải ngân sớm nên Ngân hàng Nhà nước triển khai thêm, nâng lên thành gói 30.000 tỉ đồng. Hiện đã giải ngân 18.000 tỉ đồng. Đây là gói vay không có thời hạn, hết sẽ tăng thêm. Gói vay này có lãi suất thấp hơn 1-2%/năm so với vay thương mại thông thường.

Bạn đọc hỏi: Vì sao giá USD "chợ đen" lại cao hơn giá USD ngân hàng?

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước trả lời:

Đây là chuyện bình thường. Vì giá USD tự do cao nên cần có sự điều hành của Ngân hàng nhà nước. Trong điều kiện nay, do mất cân đối cung – cầu ngoại tệ, có yếu tố tâm lý nên giá USD chợ đen cao hơn. Trong thời gian tới tỉ giá trung tâm giảm, giá USD ngoài thị trường cũng sẽ giảm theo.

10:12 - 25/04/2024

Ông Đặng Quốc Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ gỗ Liên Minh

Ngân hàng phải trở thành 1 nhà đầu tư

Công ty chúng tôi chuyên tổ chức hội chợ về hàng nội thất và xúc tiến thương mại cho ngành nội thất mỹ nghệ. Xưa nay, các DN tập trung thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu nên khi thị trường châu Âu gặp vấn đề thì chúng ta lập tức bị ảnh hưởng.

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 1.

Ông Đặng Quốc Hùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ gỗ Liên Minh

Do đó, cần định hướng cho các DN mở rộng thị trường không truyền thống. Tháng 2 vừa rồi, chúng tôi tổ chức 1 hội chợ và thu hút được nhà mua hàng của hơn 70 thị trường, trong đó có nhiều thị trường mới, đặc biệt là Ấn Độ.

Tình hình hiện nay có thể thấy trong thời gian ngắn, kinh tế thế giới khó tăng trưởng. Trong khi sự cạnh tranh xuất khẩu giữa các thị trường rất cao, làm sao DN Việt Nam có ưu thế cạnh tranh? Một trong những giải pháp đó là ngân hàng phải trở thành 1 nhà đầu tư chứ không chỉ là người cho vay. Theo đó, ngoài cho vay, NH cần đầu tư để giúp DN nâng cao trình độ sản xuất, từ đó để nâng tính cạnh tranh. Mở rộng vốn cho những DN có tiềm năng.

Ngân hàng cũng nên đầu tư cho xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Cần có chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi xanh, đầu tư công nghệ xanh vì nếu không theo kịp, DN sẽ mất thị trường.

10:36 - 25/04/2024

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

Doanh nghiệp xuất khẩu cần nỗ lực rất lớn

Quý I vừa qua với sự phục hồi của thị trường thế giới và những nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng DN và ngành NH giúp cho xuất khẩu gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng đến 17% so với cùng kỳ năm trước, nhất là khu kinh tế trong nước tăng đến 25%, còn khu vực nước ngoài (FDI) tăng khoảng 13% là tín hiệu rất là đáng mừng.

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 1.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

Xuất khẩu tăng trên tất cả mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta, như thông tin xuất khẩu qua Trung Quốc tăng cao nhất đến 34% hay qua EU, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản… đều có mức độ tăng đáng kể. Dù vậy, mức tăng này so với nền thấp của năm 2023 và xuất khẩu nhìn chung vẫn đang rất khó khăn.

Hiện nay, các DN xuất khẩu còn nhiều cơ hội để khai thác các thị trường bằng việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), tính cạnh tranh của DN Việt Nam cũng không kém khi các nền kinh tế có điều kiện tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Bangladesd… Các thị trường này đang gia tăng sức cạnh tranh với những mặt hàng xuất khẩu tương đồng. Nếu chúng ta không có cách thức để nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ chịu áp lực rất lớn. 

Một xu hướng nữa là những yêu cầu về kinh tế xanh, phát triển bền vững và đề cao trách nhiệm xã hội. Để thâm nhập vào các thị trường châu Âu, và sắp tới là Mỹ, Nhật... cần sự nỗ lực rất lớn của các DN để vượt qua một loạt tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật.

Ngoài ra, trong khi giá hàng xuất khẩu không tăng hoặc tăng không đáng kể, chi phí ngoài nước từ logistics tăng lên, trong nước, rào cản vốn lãi suất ngân hàng cũng rất được quan tâm. Bởi lãi suất ngân hàng đang nhích lên, tạo áp lực chi phí lớn cho DN. Vì vậy, cần hỗ trợ cho xuất khẩu gồm cả vốn tín dụng, tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu tiếp cận vốn thuận lợi hơn và với chi phí thấp.

10:44 - 25/04/2024

Nhu cầu của thị trường EU rất lớn nhưng cũng rất khắt khe

Trả lời câu hỏi về thị trường châu Âu, bà Lê Thị Thanh Minh - Trưởng phòng Châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, cho biết EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam.

Trong khối EU, Hà Lan, Pháp, Đức, Ý là những thị trường lớn và xuất khẩu của Việt Nam vào các nước này trong năm 2023 rất mạnh. Ở châu Âu còn có một số thị trường tăng trưởng 2 con số trong năm 2023 là Tây Ban Nha, Thụy Điển, Hungary…, DN Việt có thể đẩy mạnh tiếp cận, xúc tiến bán hàng vào đó.

Hiện các nước EU đang nhập khẩu nhiều sản phẩm giày dép, dệt may, túi xách, ô dù, ví, vali… Trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng cao như sắt thép, cà phê, bánh kẹo, cao su…

Thị trường EU rất tiềm năng nhưng họ có những tiêu chuẩn rất khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và lao động. DN phải lưu ý đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật này để được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu vào EU.

10:58 - 25/04/2024

Có chính sách hỗ trợ nào giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ (DN SME) tiếp cận vốn tín dụng hoặc có thể vay vốn tín chấp?

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, trả lời: Liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn của DN nhỏ và vừa (SME), tiếp cận vốn là một trong những chủ đề NHNN rất quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế trong 2 năm nay. Ngành NH đã có rất là nhiều giải pháp làm sao tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, DN. 

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 1.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế

Về mặt cơ chế, chính sách, NHNN đã ban hành đầy đủ các cái quy định liên quan đến hướng dẫn về nghiệp vụ cấp tín dụng và cho vay có hay không có tài sản bảo đảm là trên cơ sở là thỏa thuận, là sự linh hoạt.

Theo thỏa thuận giữa NH và khách hàng và trên cơ sở các quy định. rất nhiều NH đã xây dựng những chương trình tín dụng dành riêng cho DN SME, đặc biệt là chương trình cho vay không có tài sản bảo đảm. 

Dù vậy, việc cho vay của tổ chức tín dụng cần phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Hiện nay, ngoài những quy định của Luật TCTD còn có các thông tư hướng dẫn của NHNN, trong đó đặc biệt là những cái điều kiện quy định về khách hàng như phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng trả nợ…

Về căn cứ cơ sở pháp lý, NHNN đã ban hành và đã trao quyền tự chủ cho các TCTD. Với DN SME, ngoài những quy định như vừa chia sẻ, để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các DN này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34 quy định về các hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương. 

Đây cũng là một chính sách rất quan trọng đối với những DN gặp khó khăn trong vấn đề thiếu tài sản bảo đảm, trên cơ sở bảo lãnh của các quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương này, các NH sẽ xem xét, quyết định cho vay. 

Vì vậy, rất những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương, làm sao để tăng khả năng tiếp cận vốn cho các DN, đặc biệt là những DN có dự án khả thi, có khả năng trả nợ nhưng mà gặp khó khăn về cái vấn đề tài sản bảo đảm…

11:25 - 25/04/2024

Bạn đọc hỏi: Giá USD có tăng tiếp trong thời gian tới?

Bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN:

Như Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú đã chia sẻ ở trước đó về chính sách điều hành đối với lãi suất và tỉ giá. Quan điểm xuyên suốt của NHNN về chính sách tiền tệ nói chung là hạn chế những biến động quá mức của VNĐ, cho phép tỉ giá biến động linh hoạt để hỗ hấp thu các cú sốc từ bên ngoài, hướng đến ổn định tâm lý, hỗ trợ cho kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại, trong đó có xuất nhập khẩu.

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 1.

Vấn đề tỉ giá đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm

Với tinh thần như vậy, NHNN đã triển khai rất nhiều giải pháp để ổn định được trường ngoại tệ, hạn chế áp lực gây mất giá VNĐ, cân bằng, hài hòa giữa lãi suất và tỉ giá.

Điều hành tỉ giá ổn định không có nghĩa là cố định mà linh hoạt, nhất là trong bối cảnh những yếu tố tác động bên ngoài khó lường, đặc biệt là lạm phát ở Mỹ khiến FED chưa có động thái rõ ràng về việc có giảm lãi suất hay không. Một số nước như Indonesia vừa tăng lãi suất điều hành… Tất cả những yếu tố trên đều được NHNN theo dõi sát sao.

Trong nước, bối cảnh thị trường cũng có những sức ép nhất định đến tỉ giá. Câu chuyện tỉ giá tăng hay giảm còn phụ thuộc vào những bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước, khi chúng ta mới đi được 4 tháng của năm 2024. Các yếu tố về địa chính trị, giá vàng… nên Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục mục tiêu xuyên suốt là chính sách tệ theo hướng nhằm kiểm soát lạm phát, động nền kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, điều hành tỉ giá trong đồng bộ chính sách tổng thể nhằm đạt mục tiêu chính sách tệ, trong đó tiếp tục góp phần hỗ trợ cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của DN.

11:40 - 25/04/2024

Ông Cao Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm Phê duyệt tín dụng tại TP HCM Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho DN xuất khẩu khẩu

Theo số liệu công bố của NHNN, đến cuối quý I/2024, tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng ở mức 1,34% so với cuối năm 2023, thấp hơn cùng kỳ các năm trước và cách xa so với mục tiêu cả năm 15%.

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 1.

Ông Cao Thanh Phong

Thanh khoản hệ thống ngân hàng thương mại đầu năm 2024 ở mức dư thừa, mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống đã giảm về vùng đáy lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn đại dịch COVID-19. Riêng khối NH thương mại nhà nước đã có ít nhất 3 lần giảm lãi suất huy động so với đầu năm với mức giảm 0,3-0,6%/năm. Nhiều NH thương mại cổ phần thậm chí còn giảm lãi suất huy động thấp hơn khối NH thương mại nhà nước.

Với lãi suất cho vay, thời gian qua các NH thương mại triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 2,5-3%/năm, trung dài hạn từ 5-6%/năm. Các mức lãi suất ưu đãi này thậm chí thấp hơn chi phí vốn đầu vào của các NH thương mại.

Tại Agribank, NH đang điều hành lãi suất trên cơ sở thanh khoản ổn định và dồi dào. Lãi suất cho vay bình quân tháng 3-2024 của Agribank là 7,47%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức từ 6%/năm.

Đặc biệt, lãi suất cho vay đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức cố định 4%/năm; lãi suất cho vay thẻ tín dụng chỉ có 13%/năm - là mức thấp nhất trên thị trường hiện nay (các NH thương mại khác ở mức 18-25%/năm). Đặc biệt. Agribank có chương trình cho vay VND hỗ trợ các đối tượng tượng doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất cho vay chỉ từ 2,6 - 3,0%/năm.

Mới đây nhất, trước những tín hiệu tích cực từ hoạt động xuất nhập khẩu, Agribank triển khai chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu quy mô tín dụng 20.000 tỉ đồng. Lãi suất gói này thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường đến 2,4%/năm, cùng với đó là nhiều ưu đãi về lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ và tỉ giá mua bán ngoại tệ…

Gỡ vướng thủ tục tiếp cận vốn

Năm 2023, Agribank đã ban hành mới các quy chế về cho vay, bảo lãnh và các quy định khác liên quan đến hoạt động tín dụng theo hướng ngày càng đơn giản hóa thủ tục hồ sơ cấp tín dụng nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định.

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 2.

Gần đây nhất, gribank đã rà soát trong toàn hệ thống hồ sơ tín dụng nhằm tiếp tục hoàn chỉnh tinh giản, hồ sơ tín dụng. Tuy vậy, để tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn vay, DN cần minh bạch trong báo cáo tài chính, trung thực trong cung cấp thông tin tối thiểu theo quy định…

Ngoài việc ngày càng đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn, thời gian qua Agribank đã giành ưu tiên lượng lớn nguồn vốn tập trung vào sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.

Agribank triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô 200.000 tỉ đồng; 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng, tích cực tham gia các hội nghị kết nối NH và DN, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn. Ngay đầu quý II/2024, Agribank bổ sung thêm 35.000 tỉ đồng vốn tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp…

12:33 - 25/04/2024

Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động

Báo Người Lao Động sẵn sàng làm cầu nối

Thay mặt Báo Người Lao Động, chúng tôi xin cảm ơn các diễn giả, khách mời đã dành thời gian đến tham dự diễn đàn. Cảm ơn ông Vũ Tiến Lộc dù lịch làm việc rất dày đặc nhưng đã sắp xếp đến tham gia và giữ vai trò "host" trong diễn đàn hôm nay. 

Cảm ơn ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước Việt Nam, dù sáng nay có đến 3 lịch làm việc nhưng vẫn dành thời gian để chia sẻ với diễn đàn với nhiều ý kiến rất là xác đáng và sâu sắc. Điều này thể hiện quyết tâm cao trong điều hành cũng như là hỗ trợ cho doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu đề ra đó là ổn định kinh tế vĩ mô, đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn và tiếp tục tiến lên.

Xin cảm ơn Tham tán thương mại Việt Nam tại Arab Saudi, ông Trần Trọng Kim dù múi giờ không thuận nhưng vẫn rất nhiệt tình tham gia diễn đàn. 

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 1.

Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cám ơn các diễn giả, khách mời đã tham dự Diễn đàn

Trong khoảng thời gian gần 3 tiếng đồng hồ, diễn đàn đã có khoảng 20 ý kiến phát biểu trao đổi, trong đó có nhiều giải đáp rất rõ ràng, cụ thể.

Ngoài 2 chủ đề mà chúng ta đặt ra là vốn và thị trường đã được giải đáp cụ thể, còn một số ý kiến mà bạn đọc gửi đến chúng tôi sẽ tập hợp chuyển đến cho các chuyên gia, nhà quản lý.

Sau diễn đàn này, chúng tôi sẽ tập hợp các đề xuất, kiến nghị của các khách mời hôm nay để gửi đến các cơ quan chức năng. Đây cũng là cách làm thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua của Báo Người Lao Động góp phần đưa nền kinh tế tiếp tục vượt qua khó khăn và nỗ lực vươn lên trong thời gian tới.

Về nội dung Diễn đàn với chủ để về gỡ khó cho xuất khẩu hôm nay, như chúng ta đã biết, trong lịch sử đương đại, chưa có một thời kỳ nào mà khó khăn như hiện nay khi cùng lúc xảy ra nhiều cuộc xung đột lớn trên thế giới. Đó là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine; giữa Israel và Hamas và mới đây là Israel và Iran. Tình hình thế giới diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại nên không thể không ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Mặc dù là như thế, theo thông tin ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP chia sẻ tại diễn đàn thì xuất khẩu thủy sản quý I/2024 có tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thông tin tích cực nhưng cũng có những thị trường xuất khẩu giảm, 

Trước tình hình đặt ra như vậy thì giải pháp là gì? Chúng ta cần phải có sự chuẩn bị để thích ứng. Đó là phải tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường. Đồng thời, cần có sự phòng thủ tốt hơn như tăng lượng hàng dự trữ. Để làm được điều này cần có nguồn lực tài chính nên vai trò của các tổ chức tài chính tiền tệ, đặc biệt là sự điều phối của Ngân hàng nhà nước là rất lớn. Như chia sẻ của ông Đào Minh Tú, Ngân hàng nhà nước cũng rất quan tâm đến vấn đề này và ngay từ đầu năm đã triển khai nhiều giải pháp.

Tuy nhiên, nếu như tình hình trên thế giới còn biến động xấu, những khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu sẽ còn lớn hơn nên rất cần sự hỗ trợ. Có thể là gói tín dụng riêng dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong từng lĩnh vực.

Đối với các ngân hàng, không chỉ là người cho vay mà phải là nhà đầu tư, tức là tham gia trực tiếp vào đó. Khi ngân hàng có lợi ích trực tiếp thì sẽ sát sườn hơn với doanh nghiệp.

Trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, chúng tôi nghe nhiều than phiền của doanh nghiệp về việc đi xúc tiến thương mại đơn lẻ rất tốn kém trong khi nhiều tham tán thương mại Việt Nam lại nói nhiều hội thảo, tọa đàm hay việc tổ chức trưng bày gian hàng ở nước ngoài không nhận được sự hưởng ứng của doanh nghiệp.

Do đó, cần tiếp tục kết nối doanh nghiệp với các tham tán thương mại để tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 2.

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cam kết sẵn sàng làm đầu cầu kết nối doanh nghiệp với các cái cơ quan chức năng, đặc biệt là Ngân hàng nhà nước để kịp thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc.

Diễn biến tại Trung Đông hiện không thuận lợi, chúng ta cần tính toán thêm các phương án phải chuẩn bị trong khả năng. Nếu tình hình xung đột lan rộng thì ứng phó như thế nào để không bị động và bảo đảm được cái mục tiêu xuất khẩu?

Về thị trường vốn dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu, 12 giải pháp mà Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú đưa ra là khá chi tiết và cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành chắc chắn sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề khác, tôi đề nghị các doanh nghiệp tăng cường các kết nối với các ngân hàng để giải quyết.

Báo Người Lao Động sẵn sàng làm đầu cầu kết nối doanh nghiệp với các cái cơ quan chức năng, đặc biệt là Ngân hàng nhà nước để kịp thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, Ngân hàng nhà nước có thể đưa ra những chính sách tháo gỡ phù hợp.

Một vấn đề ông Đào Minh Tú nêu ra mà chúng tôi rất tâm đắc là "tín dụng xanh". Đây là vấn đề rất khẩn cấp cần triển khai ngay để Việt Nam hòa nhập với cái quy định chung của toàn thế giới. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều chương trình xung quanh chủ đề này và sẵn sàng làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các ngân hàng.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu trong quý I/2024 có nhiều khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 93,06 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cho rằng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. 

Trong đó, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động.

Mới đây, tình hình Trung Đông diễn biến phức tạp với nhiều tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất- Ảnh 1.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 tổ chức phiên thứ 2 vào ngày 25-4

Vào lúc 8 giờ ngày 25-4, Báo Người Lao Động tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 với phiên thứ 2 về chủ đề "Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu" để bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp.

Diễn đàn được tổ chức trực tiếp tại Tòa soạn Báo Người Lao Động (tòa nhà 123 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM) kết hợp hình thức trực tuyến.

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo bộ, ngành; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước; tham tán thương mại, thương vụ nước ngoài; lãnh đạo hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; chuyên gia kinh tế...

Toàn bộ nội dung diễn đàn sẽ được trực tuyến trên Báo điện tử Người Lao Động và trực tiếp trên Fanpace Báo Người Lao Động (https://www.facebook.com/nguoilaodong). Mời bạn đọc theo dõi và đặt câu hỏi đến các khách mời xung quanh câu chuyện vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu và các vấn đề liên quan. 

https://nld.com.vn/bao-nguoi-lao-dong-to-chuc-dien-dan-kinh-te-viet-nam-2024-phien-thu-2-196240424203935405.htm#img-lightbox-8