Theo Chủ tịch GC Food, chế biến sâu nông sản không phải bài toán “hôm nay nghĩ là mai có thể làm thành công” mà cần xây dựng thị trường, đi từ chất lượng sản phẩm...
Tối ưu hóa lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp
Nhu cầu đối nông sản chế biến những năm gần đây tiếp tục tăng do khả năng đa dạng hóa danh mục sản phẩm giúp nông sản chế biến trở nên dễ lựa chọn hơn đối với người tiêu dùng và các nhà kinh doanh thực phẩm.
Từ một ngành gắn liền với “được mùa, mất giá”, nông nghiệp giờ là ngành hàng tỷ USD với mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2024 từ 54-55 tỷ USD. Và để thiết lập kỷ lục trên, chế biến sâu được cho là một lời giải với nông sản Việt Nam, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng chuỗi ngành hàng chuyên nghiệp và tạo ra các sản phẩm nổi trội, đem lại giá trị gia tăng cao hơn.
Bắt đầu sự nghiệp
kinh doanh của mình với cây nha đam ở vùng đất Ninh Thuận, chia sẻ với Người
Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT GC Food cho biết, đây là
một loại cây có tiềm năng giá trị rất lớn, hiệu quả kinh tế cao, vậy mà người
nông dân trồng để đó mà không ai mua hoặc mua với giá rất rẻ dẫn đến phải chặt
bỏ, trong khi ở một số nơi trên thế giới không thể trồng được.
Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT GC
Food.
Với ngành nông nghiệp, những ví dụ như trên không còn quá xa lạ, mà theo ông Thứ, “được mùa mất giá” là quy luật kinh tế cung - cầu.
Để giải quyết được bài toán này, Chủ tịch GC Food cho rằng một trong những cách hiệu quả là chế biến sâu. “Khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường. Lý do là bởi đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến tinh nhằm đa dạng hoá sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản”, ông Thứ nói.
Mở rộng ra với các
sản phẩm nông nghiệp, ông Thứ cho rằng, chưa nói đến các sản phẩm có giá trị
gia tăng cao như hóa mỹ phẩm, dược phẩm, nếu chỉ tập trung vào mảng thực phẩm
thì phải tìm cách để giới thiệu sản phẩm được sử dụng trong nhiều hình thái đa
dạng thì đầu ra mới đảm bảo. Còn nếu nông dân chỉ bán bán nông sản thô thì sản
lượng cũng sẽ chỉ duy trì ở mức thấp.
Tuy nhiên, ông Thứ
nhấn mạnh: “Đây không phải bài toán hôm nay nghĩ là mai có thể làm thành công,
mà cần xây dựng thị trường, truyền thông thông điệp sản phẩm, người lao động,
chất liệu, chất lượng sản phẩm cũng như ứng dụng của sản phẩm”.
Thúc đẩy cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp
Dưới góc nhìn của một người trẻ dấn thân vào nông nghiệp, ông Trần Quảng Minh - Giám đốc Công ty TNHH VEGIS cho rằng, không chỉ đa dạng sản phẩm, chế biến sâu còn giúp tối ưu hóa lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp.
Kinh doanh chính các
sản phẩm về rau sạch, rau hữu cơ, đại diện VEGIS cho biết, rau được đưa vào
siêu thị, đến người tiêu dùng chủ yếu là ngọn, còn lại là phụ phẩm có thể tái
sử dụng. Việc tái sử dụng này đòi hỏi các công nghệ chế biến sâu, không chỉ vậy
còn hướng tới sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.
Tiềm năng là vậy
nhưng đưa chế biến sâu vào thực tế vẫn rất còn khó khăn. Chủ tịch GC Food chia
sẻ, trong kinh doanh ai cũng gặp phải khó khăn, cái khó khăn đầu tiên của công
ty là về vốn, máy móc thiết bị hiện đại... Đây cũng là khó khăn mà VEGIS gặp
phải.
Ông Minh bày tỏ: “Làm nông nghiệp chắc chắn phải cần nguồn lực về vốn. Nên trong quá trình kinh doanh, chúng tôi phải chịu nhiều áp lực về vấn đề tài chính, vốn, tiền bạc. Và hệ quả là đôi khi mình có các quyết định có phần vội vã, để làm sao có đủ vốn để hoàn thiện dự án”.
Đẩy mạnh chế biến sâu giúp đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản.
Nhìn nhận về vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh, cơ giới hóa nông nghiệp là vấn đề rất quan trọng để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị, hạ thấp giá thành sản phẩm để tạo ra tính cạnh tranh cho nông sản.
“Tuy nhiên, về cơ
giới hóa trong chế biến nông sản, phải phụ thuộc rất nhiều thứ như tích tụ
ruộng đất. Vừa qua các địa phương đã làm về tích điền đổi thửa, tuy nhiên đồng
ruộng, đất để sản xuất nhiều nơi vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Do đó khi áp dụng cơ
giới hóa vào sẽ kém hiệu quả, phát sinh chi phí”, ông Minh nói.
Dù vậy nhưng đây là
vấn đề cần tầm nhìn bao quát, mang tính chiến lược hơn để có các chủ trương lớn
để địa phương làm theo, để có điều kiện tốt hơn cho cơ giới hóa.
Thứ hai, về nguồn vốn bỏ ra cho cơ giới hóa, ĐBQH đề nghị có sự chung tay từ nhiều phía từ hợp tác xã, ngân hàng,... nhằm nâng cao nguồn lực cho người dân. Ngoài ra, tự thân người nông dân, doanh nghiệp cũng cần tích tụ và nhận thức rõ rằng có máy móc đem lại nguồn lợi lớn hơn, giải phóng được sức lao động nhiều hơn.
Bên cạnh đó, ông Minh
kiến nghị, Chính phủ, Quốc hội cần có các quy định nhằm gỡ bỏ rào cản, tạo ra
hành lang thông thoáng, hiệu quả sản xuất ngày càng tăng lên, ứng dụng khoa học
công nghệ trong sản xuất. Để ứng dụng, chắc chắn phải có sự hướng dẫn người nông
dân.