(DNTO) - Quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng tiền với doanh nghiệp là việc vô cùng quan trọng và không đơn giản; nhất là trong những ngày biến động, rối ren của đại dịch Covid-19. Cùng Doanh nhân Trẻ nghe chia sẻ của một số người sáng lập doanh nghiệp – những doanh nghiệp Sao vàng Đất Việt.
Quản trị doanh nghiệp: Nhân viên là những cộng sự
Ông Nguyễn Văn Thứ, CEO của Công ty GC Food cho rằng, nhân lực chính là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Ông khẳng định, công ty tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay là nhờ những nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, công nhân viên.
Vì hiểu một cách tường tận, sâu sắc điều đó, nên ông và ban lãnh đạo luôn tâm niệm “nhân viên cũng chính là những cộng sự”. Theo đó, việc trao quyền, ủy quyền được thực hiện thường xuyên nhằm khuyến khích nhân viên sáng tạo, chủ động, làm việc độc lập.
Chính việc trao quyền này đã là động lực mạnh mẽ, giúp nhân viên hăng say, sáng tạo, chủ động làm việc và từ đó đạt các kết quả cao trong công việc. Điều này càng có ý nghĩa sâu sắc trong suốt gần ba năm khó khăn, khủng hoảng vì đại dịch.
“GC Food tự hào khi vẫn giữ chân được người lao động cũng như đảm bảo việc thực hiện mức tăng lương định kỳ trong suốt hai năm 2020 – 2021”, ông Thứ nói.
Bên cạnh tư duy nhân lực chính là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, ông Thứ cho rằng, ông luôn xác định động cơ làm việc đến từ tầm nhìn của công ty.
Với tầm nhìn “tạo ra một thế giới hạnh phúc thông qua việc cung cấp chuỗi thực phẩm hạnh phúc”, GC Food luôn coi tầm nhìn của công ty là một trong các yếu tố tạo động lực cho nhân viên.
Khi toàn bộ nhân viên hiểu rõ về tầm nhìn, mục đích của công ty, họ sẽ có niềm tin vào những gì họ đang làm và nhìn thấy trước lợi ích từ những kết quả mà họ đã góp phần tạo ra.
“Nhiệm vụ của tôi là xây dựng một bản sắc văn hoá cho GC Food, để mọi người có thể cùng đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển công ty qua đó góp phần đóng góp và phát triển kinh tế của địa phương và đất nước”, ông Thứ kỳ vọng.
Ông Phan Tấn Đạt – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) thì chia sẻ, với vai trò là người đứng đầu doanh nghiệp, ông luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm như thế nào để tiếp tục đưa con thuyền KSB chuyển mình vươn tầm trong thời gian tới.
Ông nói, nhờ có được“kháng thể thích ứng” trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, ông sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt trong việc hoạch định chiến lược lâu dài hơn, đó là các kế hoạch 5 năm, 10 năm mang tầm chiến lược vĩ mô.
Bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng triệt để công nghệ tiên tiến trong quản trị điều hành cũng như số hoá các quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao và nâng tầm nguồn nhân lực, tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các ngành chủ lực là thế mạnh của doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển các ngành nghề phù hợp, thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Quản trị dòng tiền: Lập ngân sách, dự đoán doanh thu, chi phí
Nói về quản trị dòng tiền, ông Thứ cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, quản trị dòng tiền tốt là ưu tiên số 1. Theo đó, GC Food đã áp dụng cách quản trị đó là lập ngân sách, dự đoán doanh thu và chi phí của doanh nghiệp hàng tháng. Trên cơ sở đó xem xét việc cắt giảm chi phí. Đây chính là chìa khóa quan trọng để quản trị dòng tiền hiệu quả.
Trên cơ sở dự báo dòng tiền, GC Food sẽ có kế hoạch gọi vốn cho các trường hợp thiếu hụt dòng tiền để tận dụng các khoản đầu tư chiến lược và các khoản vay ngân hàng.
Ngoài ra, để dòng tiền được lưu thông tốt, công ty tiến hành thỏa thuận những điều khoản có lợi hơn với nhà cung cấp và khách hàng.
“Trong đại dịch việc bán hàng gặp khó khăn nên chúng tôi đã chấp nhận giảm dòng tiền mặt của công ty. Phối hợp với các ngân hàng nhằm nâng hạn mức tiền dụng đồng thời một số cổ đông trong công ty đã bổ sung thêm tiền cho công ty bằng cách cho mượn tạm. Chúng tôi vẫn đảm bảo đủ lương cho tất cả mọi công nhân viên và không sa thải bất cứ một nhân viên nào vì yếu tố dịch bệnh”, ông Thứ nói thêm.