Theo ước tính của Grand View Research - đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và nghiên cứu thị trường có trụ sở chính ở Mỹ, thị trường các sản phẩm từ nha đam có thể đạt giá trị đến 2,67 tỉ USD vào năm 2025. Trong giai đoạn 2019-2025, thị trường các sản phẩm từ nha đam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,6%/năm.
Tại Việt Nam, Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food Group) được biết đến là đơn vị tiên phong trên hành trình đưa nha đam Việt đi khắp thế giới, với quy mô nhà máy chế biến có công suất đứng đầu cả nước.
Sôi động thị trường đồ uống từ nha đam
Theo số liệu từ Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc, quy mô thị trường đồ uống dựa trên nha đam dự kiến sẽ tăng từ 139,91 triệu USD vào năm 2023 lên 234,70 triệu USD vào năm 2028, với tốc độ CAGR (thước đo tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của khoản đầu tư theo thời gian, có tính đến ảnh hưởng của lãi kép) là 10.90% trong giai đoạn dự báo từ 2023-2028.
Nghiên cứu này cũng cho biết, nhu cầu về đồ uống dựa trên nha đam đang tăng lên do sự cải thiện trong nhận thức đối với các tình trạng thiếu vitamin, thúc đẩy sự phát triển của các loại đồ uống hiện nay. Các chiết xuất từ nha đam chứa hơn 200 thành phần hoạt tính sinh học, bao gồm các vitamin và khoáng chất thiết yếu, đường tự nhiên và các tác nhân, axit amin và enzyme kích thích hệ thống miễn dịch, thúc đẩy chữa bệnh. Đồ uống dựa trên nha đam cũng được khuyên dùng cho bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân tim và dị ứng, điều này đang bổ sung thêm cho sự tăng trưởng thị trường ở cấp độ toàn cầu. Ngoài ra, ứng dụng ngày càng tăng của nha đam cho nhiều mục đích như: chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, thực phẩm và các ứng dụng khác hỗ trợ các thị trường này, tạo thêm đà phát triển cho các dòng sản phẩm đồ uống dựa trên nha đam trong những năm dự báo.
Bên cạnh đó, thị trường đồ uống dựa trên nha đam có tính cạnh tranh cao và năng động do sự hiện diện của những “ông lớn” trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới tham gia vào chuỗi sản xuất tạo ra các sản phẩm đồ uống từ nha đam. Việc đổi mới các dòng sản phẩm được xem như là một chiến lược khác biệt để nâng cao doanh số và thị phần. Hiện nay, một số công ty lớn của thị trường phải kể đến: Alterfood, OKF, Houssy Global, Simplee Aloe…
GC Food góp mặt vào thị trường nha đam toàn cầu
Tại Việt Nam, cây nha đam được trồng nhiều nhất tại tỉnh Ninh Thuận với diện tích khoảng 350 ha chủ yếu ở các phường Mỹ Bình, Văn Hải, Văn Sơn (TP Phan Rang - Tháp Chàm) và huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc. Năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã triển khai mô hình sản xuất chuyên canh cây nha đam tại xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc nhằm giúp bà con địa phương nâng cao thu nhập với sự tham gia của doanh nghiệp. Chính vì vậy, bà con nông dân có đầu ra và thu nhập ổn định từ cây nha đam.
Hơn 10 năm trồng nha đam tại phường Văn Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, bà Trương Thị Phượng cho biết, chưa lần nào bà phải nhờ “giải cứu” nha đam vì luôn có doanh nghiệp bao tiêu. Theo thoả thuận hợp tác, công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt - Vietfarm (thuộc GC Food Group) cung cấp nguồn giống chất lượng cao, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn và bao tiêu đầu ra, gia đình bà Phượng tôn trọng thỏa thuận, đảm bảo cung cấp đủ sản lượng như đã ký kết. Bà Phượng cho biết thêm: “Một tháng thì mình cắt một lần, giá cả của nha đam bình ổn, thị trường lên thì công ty tính lên cho mình. Từ ngày liên kết với công ty thì đời sống bà con ổn định, nếu với các loại cây trồng khác ở đây thì đầu ra không còn bấp bênh…”.
Đến nay, tại vùng đất Ninh Thuận, nha đam đang là cây trồng hiệu quả với lợi nhuận bình quân không dưới 300 triệu đồng/ha. Thông thường, mỗi hộ nông dân có diện tích canh tác 2.000-5.000 m2, tương đương khoản lợi nhuận 60-150 triệu đồng/năm – đây là mức thu nhập tốt tại địa phương. Nhờ được liên kết sản xuất theo chuỗi mà hiện nay, nha đam đã trở thành một trong 12 sản phẩm đặc thù tại tỉnh Ninh Thuận. Ngoài vùng nguyên liệu tự đầu tư sản xuất, thời gian qua, công ty Vietfarm liên kết với 200 hộ nông dân và hợp tác xã địa phương xây dựng vùng nguyên liệu trên diện tích 130 ha. Trong năm 2023, dự kiến phát triển lên 200 ha để tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho nhà máy khai thác chế biến và xuất khẩu. Hiện Vietfarm là nhà máy chế biến nha đam lớn nhất Việt Nam với công suất đạt 35.000 tấn lá tươi mỗi năm, cho ra 15.000 tấn thành phẩm.
GC Food đang dẫn đầu thị trường Việt Nam về sản phẩm nha đam với sản lượng 15.000-17.000 tấn một năm, xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới. GC Food đang chiếm hơn 8% thị phần tại Hàn Quốc và trên 9% ở Nhật Bản. Ba năm tới, công ty đặt mục tiêu chiếm khoảng 15-20% thị phần nha đam tại hai quốc gia trên. Mục tiêu chiến lược này được Chủ tịch GC Food Group Nguyễn Văn Thứ nêu ra đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 7/4/2023. Theo ông Thứ, đây là mức đủ để tạo ra vị thế có sức ảnh hưởng tốt đến nhu cầu mua hàng của các nhà sản xuất tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hiện nay, Thái Lan là nhà cung cấp lớn nhất tại hai thị trường này với thị phần khoảng 40%. Ông Thứ cho rằng, hàng của Thái có công nghệ sản xuất hiện đại nên vẫn nhỉnh hơn về tính đa dạng sản phẩm. Sản lượng của họ lớn và nhờ ngành phụ trợ phát triển, đặc biệt bao bì đóng gói, nên giá bán đang thấp hơn hàng Việt khoảng 10-15%. Tuy vậy, vị thuyền trưởng của GC Food Group tin tưởng, về chất lượng, nha đam Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng Thái.“Đặc biệt, nông sản của Việt Nam còn hưởng lợi lớn về thuế suất ưu đãi nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi Thái chưa có” - ông Thứ cho biết thêm.
Ngoài hai thị trường truyền thống, GC Food định hướng mở rộng thêm ở khu vực Trung Đông, Trung Quốc và châu Âu. Trước mắt, Đông Âu - khu vực có thói quen dùng nha đam gần giống châu Á - sẽ là thị trường mà công ty chú trọng. Nếu thành công, đây sẽ là thị trường đóng góp 15-20% tổng doanh thu trong giai đoạn 2023-2025.
Mở rộng vùng nguyên liệu và chế biến sâu
Hiện GC Food lên kế hoạch 2023-2025 sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lá nha đam lên 500 ha để tăng công suất nhà máy đạt 40.000 - 45.000 tấn thành phẩm mỗi năm. Doanh nghiệp này cũng nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm từ cây nha đam nguyên liệu. Ông Nguyễn Đức Thuận, giám đốc công ty Vietfarm cho biết: “Hiện chúng tôi đang nghiên cứu đầu tư dây chuyền để chiết xuất cây nha đam làm hoá mỹ phẩm, mình phải đa dạng hoá sản phẩm, tăng hàm lượng công nghệ vào sản phẩm, khi đó giá trị nông sản mới tăng cao”. Chủ tịch GC Food Group Nguyễn Văn Thứ nhấn mạnh thêm: “Trong 5 năm tới, hoặc xa hơn là 10 năm, các sản phẩm chế biến sâu từ cây nha đam sẽ vẫn tăng trưởng cao với sức tăng 20%/năm. Đó là lý do để công ty mạnh dạn phát triển vùng nguyên liệu và hoạt động đầu tư chế biến sâu trong thời gian tới”.
Đầu năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đến thăm quan mô hình trồng, chế biến cây nha đam của công ty Vietfarm. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, tỉnh Ninh Thuận có dư địa lớn để phát triển mô hình này bởi đất đai, thời tiết phù hợp và có những nhà máy dẫn đầu trong lĩnh vực chế biến như Vietfarm.
Phó Thủ tướng phấn khởi khi Vietfarm đã lo được đầu ra cho sản phẩm nha đam, người nông dân địa phương sẵn lòng phối hợp, đồng hành cùng doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Theo Phó Thủ tướng, vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp và địa phương là cần mở rộng quy mô lớn, vươn tầm những loại nông sản chủ lực của Ninh Thuận như cây nha đam. “Ninh Thuận hoàn toàn có thể mở ra những ý tưởng về sản xuất nông sản chất lượng cao. Chỉ cần có đầu ra, kết nối được các thị trường quốc tế, những mô hình này sẽ là một hướng đi rất mạnh mẽ của Ninh Thuận trong tương lai” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.
Từ thực tế nêu trên cho thấy, doanh nghiệp chế biến muốn có được lợi thế xuất khẩu thì cần đòi hỏi nhiều về vùng nguyên liệu chế biến. Đây là yếu tố quyết định phía doanh nghiệp có đầu tư vào chế biến sâu hay không.
Trong chuyến thăm mô hình sản xuất nha đam của Công ty Vietfarm tại xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Thuận đánh giá cao cách làm và hiệu quả của mô hình, đồng thời đề nghị GC Food cần tiếp tục phát huy, cùng địa phương mở rộng quy mô diện tích sản xuất nha đam. “Về lâu dài cần có hướng mở xưởng sơ chế nha đam ngay tại địa phương, phát triển sản phẩm OCOP, chỉ dẫn vùng trồng, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, tiếp tục đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực chế biến…”, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch GC Food Nguyễn Văn Thứ, trình độ sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm của Việt Nam đã nâng cao đáng kể trong 10 năm qua. Nếu như trước đây, các nhà nhập khẩu chủ yếu tìm đến Việt Nam để mua nguyên liệu thì nay đã mua thành phẩm. Uy tín của nông sản Việt tăng lên, mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp như GC Food định vị thương hiệu doanh nghiệp trên bản đồ nông sản thế giới.