Anh đã 2 lần nhận Giải thưởng Sao Đỏ (Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu) đều từ những dự án nông nghiệp, sản phẩm xanh, doanh nghiệp xanh. Triết lý xanh trong sản xuất và kinh doanh luôn hiện hữu, trong câu chuyện của anh Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) - người được mệnh danh là “vua nha đam”.
Người đàn ông đi xanh hóa “tiểu sa mạc” của Việt Nam
Một dịp tình cờ, tôi nghe được câu chuyện về người đàn ông đi xanh hoá Ninh Thuận, nơi được xem là “tiểu sa mạc” của Việt Nam, nghe hành trình biến cây nha đam - một loại xương rồng bản địa bình dị, bé nhỏ, trở thành một trong những thực phẩm được ưa thích ở trong nước và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Thật may mắn, tôi đã được trực tiếp gặp và nghe người được mệnh danh là “ông vua nha đam” kể về hành trình đầy mồ hôi và nước mắt đó.
Dưới cái nắng gay gắt của miền đất nắng gió Ninh Thuận, tôi đến tham quan mô hình nông nghiệp tuần hoàn theo lời mời của anh Nguyễn Văn Thứ. Nơi đầu tiên tôi đến là nhà máy sản xuất nha đam của Công ty CP Thực phẩm Cánh đồng Việt (VietFarm). Đây là công ty thành viên thuộc GC Food đặt tại KCN Thành Hải,
TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Bước chân vào nhà máy, ấn tượng đầu tiên của tôi chính là một bức bích họa lớn trên tường kèm theo câu slogan: “Tạo ra một thế giới hạnh phúc thông qua việc cung cấp chuỗi thực phẩm hạnh phúc”.
Ở Ninh Thuận thời điểm đó, diện tích nha đam ít, chất lượng thu hoạch không tốt. Người nông dân nhổ bỏ nhiều, họ vứt ra góc vườn, gây mùi hôi thối. Vốn là dân kinh tế, anh biết triển vọng và quy mô thị trường quốc tế về những sản phẩm từ nha đam lên tới vài tỷ USD và tốc độ tăng trưởng 6 - 7% mỗi năm. Điều này làm anh trăn trở. “Vì sao một sản phẩm tốt, giá trị kinh tế cao như vậy mà Việt Nam chưa khai khác hiệu quả? Vì sao những người trồng nha đam ở Ninh Thuận phải bán giá thấp và bấp bênh như vậy?...”. Những câu hỏi của anh bắt đầu có lời giải khi thông qua một người bạn bên Nhật Bản, anh biết người dân quốc gia này dùng nha đam rất nhiều và duy trì hàng chục năm nay. Từ đó, anh quyết định sản xuất thạch nha đam xuất khẩu sang thị trường Nhật.
Từ vị trí phó giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn tại Đồng Nai, anh đi học cách làm nông nghiệp và thuyết phục bà con trồng nguyên liệu cho mình. Cho đến giờ, anh Thứ vẫn nhớ như in những cái xua tay, từ chối hợp tác trồng nha đam của nông dân Ninh Thuận ngày trước. Bởi không ai tin rằng loài cây mộc mạc, dễ trồng, dễ sống ấy lại có thể trở thành cây trồng chủ lực của vùng đất này.
Năm 2015, nhà máy sản xuất nha đam do anh Thứ xây dựng đã đi vào hoạt động ngay chính tại vùng nguyên liệu và cho đến nay VietFarm đã trở thành nhà máy chế biến nha đam lớn nhất Việt Nam. Công suất của nhà máy có thể đạt 35.000 tấn lá tươi mỗi năm, cho ra 15.000 tấn thành phẩm, sản phẩm được xuất khẩu ra 20 quốc gia trên thế giới. Những nỗ lực của anh Thứ cùng các cộng sự đã được đền đáp khi sản phẩm thạch nha đam ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Hiện GC Food lên kế hoạch 2023-2025 sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lá nha đam lên 500 ha để tăng công suất nhà máy đạt 40.000 - 45.000 tấn thành phẩm mỗi năm. Anh Thứ cho biết: “Trong 5 năm tới, hoặc xa hơn là 10 năm, các sản phẩm chế biến sâu từ cây nha đam sẽ vẫn tăng trưởng cao với sức tăng 20%/năm. Đó là lý do để công ty mạnh dạn phát triển vùng nguyên liệu và hoạt động đầu tư chế biến sâu trong thời gian tới…”
Trong 3 năm tới, GC Food đặt mục tiêu chiếm khoảng 15 - 20% thị phần nha đam tại hai thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo anh Thứ, Thái Lan là nhà cung cấp lớn nhất tại hai thị trường này với thị phần khoảng 40%, hàng của Thái có công nghệ sản xuất hiện đại nên vẫn nhỉnh hơn về tính đa dạng sản phẩm. Mặc dù vậy, giá thành sản xuất của Thái đang cao hơn, do Việt Nam có lợi thế vùng nguyên liệu và chi phí nhân công cạnh tranh hơn.
Bên cạnh đó, hàng Việt Nam chất lượng cao hơn do lá nha đam thu hoạch đều hàng tháng nên chất lượng ổn định trong khi hàng Thái Lan thu hoạch 1 năm 2 lần nên lá bị già, xơ... Với những điểm mạnh này, vị thuyền trưởng của GC Food Group tin tưởng, về chất lượng, nha đam Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng Thái. “Đặc biệt, nông sản của Việt Nam còn hưởng lợi lớn về thuế suất ưu đãi nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi Thái chưa có” - anh Thứ cho biết thêm.
Nông nghiệp tuần hoàn ở vùng đất nắng gió
Điểm đến tiếp theo của tôi là Trang trại Nắng & Gió tại xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Trang trại thuộc công ty CP Nắng và Gió (công ty thành viên thuộc GC Food). Nơi đây có các trang trại trồng nha đam, táo, dưa lưới, ổi, trang trại nuôi bò, nuôi cừu, nuôi trùn quế... Tất cả đều cho thấy sự đầu tư bài bản ở mỗi khâu.
Giữa trưa, tôi cùng một cán bộ kỹ thuật phụ trách dự án phân bón hữu cơ vi sinh trùn quế, Công ty GC Plus (thuộc GC Food) đeo găng tay, bước vào khu nhà tôn có diện tích khoảng 700m2, bao quanh khu nhà là màn lưới đen chạy dài. Anh kiểm tra lớp phân bò dày khoảng 30cm trên luống đất, bàn tay anh bốc phân đang ủ mục, giữa nắm phân là những cá thể ngoe nguẩy. Trong không gian thiếu sáng, hàng triệu con trùn quế sinh sống, đây chính là nhà máy tạo phân hữu cơ vi sinh khổng lồ. Phân ở đây được dùng để bón cho cây trồng tại trang trại Nắng & Gió, trong đó có diện tích trồng dưa lưới 1,2ha.
Anh Hoàng Xuân Hậu - Phó Giám đốc kinh doanh công ty CP Nắng và Gió cho biết, dưa lưới là loại cây ngắn ngày, giá trị kinh tế cao và đặc biệt nhạy cảm nên được bón bằng phân trùn. Từ khi sử dụng phân, dưa lưới cho sản lượng ổn định, quả đều, vị ngọt thanh tự nhiên. Người tiêu dùng cũng rất quan tâm tới sản phẩm sạch được bón bởi phân trùn hữu cơ.
Bên cạnh phân trùn, anh Hậu cho biết thêm, mỗi năm có khoảng gần 1.800 m3 lá nha đam không đạt chất lượng từ việc trồng và chế biến nha đam được thải ra. Số phụ phẩm này cũng được công ty thu gom làm men vi sinh, và phối trộn với phân chuồng để quay vòng, bón lại cho 200 ha cây trồng khác (táo, ổi, dưa lưới, rau...) đem lại những sản phẩm nông sản đạt chất lượng cao, số lượng lớn. Mặt khác, số phân bón đó còn được sử dụng bón cho cây cỏ, cây bắp - làm nguồn thức ăn chăn nuôi cho gần 1000 con bò, cừu… tại trang trại này.
Chủ tịch GC Food Nguyễn Văn Thứ cho rằng, mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn mà mình cùng các công sự đang vận hành nhiều năm qua sẽ là định hướng xuyên suốt trong việc phát triển trong tương lai, bởi nó tối ưu được các chi phí đầu vào, từ khâu trồng trọt đến chăn nuôi, chất thải của khu vực, lĩnh vực này bổ sung cho khâu sau. Vì vậy, GC Food đã áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại các farm của mình để tận dụng tối ưu nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp, cũng như bảo vệ môi trường.
"Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) gồm Công ty CP Thực phẩm G.C, Công ty CP Thực phẩm Cô Cô Việt Nam (chuyên sản xuất thạch dừa), Công ty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt và Công ty CP Nắng và Gió. Ngày 20/12/2022, GC Food đã chính thức đưa 26 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCOM với mã chứng khoán GCF, đánh dấu bước ngoặt quan trọng, đưa thương hiệu GC Food đến gần hơn với cộng đồng" - Ông Nguyễn Văn Thứ- Chủ tịch GC Food.