Doanh nghiệp bước vào quý IV/2023 với tâm thế lạc quan hơn bởi đơn hàng xuất khẩu dần quay lại trong khi thị trường nội địa cũng ấm dần lên nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp (DN), động lực tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu và tiêu dùng nội địa càng hiện hữu rõ hơn khi những chỉ báo về tăng trưởng xuất khẩu, bán lẻ đã có sự cải thiện và đang có xu hướng gia tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Xuất khẩu lạc quan trở lại
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu trong 4 tháng liên tiếp gần đây (tháng 5, 6, 7, 8) duy trì tăng trưởng dương. Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết mặc dù 8 tháng đầu năm 2023, thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của dệt may, da giày và đồ gỗ Việt Nam là Mỹ, EU đều giảm khá mạnh nhưng Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu lớn thứ 2 về da giày, thứ 3 về dệt may và thứ 5 thế giới về gỗ - sản phẩm từ gỗ.
Nhóm các mặt hàng thời trang, nội thất và đồ gia dụng của Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, trình độ kỹ thuật và khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về lao động, môi trường.
Nhu cầu mua sắm cuối năm gia tăng và các biện pháp kích cầu sẽ giúp tiêu dùng khởi sắc hơn .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Saigon 3, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP HCM, thông báo tin vui là các DN dệt may Việt Nam đang có đơn hàng xuất khẩu trở lại do các thị trường bắt đầu có nhu cầu mua sắm cuối năm. Đây là động lực để DN tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng cuối năm.
Để có thêm đơn hàng, các DN cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm đến các thị trường mới, nâng cao chất lượng sản phẩm ở thị trường quen thuộc và đáp ứng tốt các yêu cầu sản xuất xanh theo từng thị trường, đối tác. Và để làm được điều này, DN cần tích cực đẩy mạnh việc chuyển đổi sang sản xuất xanh song song với nắm tình hình sức mua, sự phục hồi của thị trường để đầu tư sản xuất hàng hóa có giá phù hợp.
Trong lĩnh vực da giày, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) dự báo xuất khẩu ngành này sẽ phục hồi vào quý IV nhưng tính chung cả năm dự tính vẫn giảm khoảng 7,5% so với năm trước.
"Tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài đến quý I/2024. Tuy nhiên, thị trường đã có nhiều tín hiệu tích cực khi hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm. Đơn cử, tỉ lệ tồn kho hàng da giày ở Mỹ từ 20% trong tháng 6 đã giảm còn 10% trong tháng 8, khả năng cuối năm sẽ về 0%" - ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch LEFASO, dẫn chứng.
Đối với mảng nông - lâm - thủy sản, bà Lê Thị Hoài Thương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ tiêu Việt (Vietpepper, TP HCM), cho hay từ giữa tháng 8, xuất khẩu phục hồi khi các nhà nhập khẩu EU, Mỹ chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm.
Đáng chú ý, nhiều khách hàng trước đây mua nguyên liệu về đóng gói thì nay đặt hàng công ty gia công thành phẩm cuối cùng để đưa thẳng lên kệ hàng do chi phí nhân công tại EU, Mỹ đắt đỏ. Nhờ vậy, ngoài lượng hàng mang thương hiệu Vietpepper thì hàng gia công khá nhiều, giúp DN tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10%-15%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (Đồng Nai), thông tin từ quý III, xuất khẩu đã phục hồi rõ rệt. Điều này giúp xuất khẩu 9 tháng đầu năm của DN tăng 25% về sản lượng, tăng 20% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. "Để về đích cuối năm với mục tiêu tăng trưởng 20%-25% so với năm ngoái, công ty đang nỗ lực giữ khách hàng cũ và khai phá thêm những thị trường mới như: Trung Đông, Bắc Phi, Đông Âu" - ông Thứ nêu.
Một thông tin tích cực là nông sản - thực phẩm Việt Nam đang có nhiều lợi thế nên được nhà nhập khẩu tin tưởng đặt hàng.
"Trước đây, khi mua nông sản - thực phẩm, khách hàng thường chọn Thái Lan nhưng nay Việt Nam được tìm kiếm nhiều bởi có nhiều nhà máy sản xuất thực phẩm có công suất lớn đạt các tiêu chuẩn cao của quốc tế. Hơn nữa, nhờ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, sản phẩm của chúng ta có giá cạnh tranh hơn" - ông Thứ phân tích.
Ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau), chuyên xuất khẩu tôm, cũng xác nhận đơn đặt hàng khá nhiều nhưng nguyên liệu thiếu nên DN không tận dụng hết cơ hội. Nguyên do, thời gian qua lãi suất vẫn ở mức cao nên DN không có vốn để trữ nguyên liệu, chủ yếu có hợp đồng mới tổ chức thu mua, sản xuất.